abc amber vcard converter | abc amber vcard converter 1.14 | tu mang |
Tiếp xúc với Nguyễn Khắc Hiếu, trại viên ở cơ sở giáo dục Thanh Hà, ấn tượng để lại là một gương mặt héo úa như thể chưa có một ngày biết cười. Hiếu đi "cải tạo" vì nhiều lần đánh vợ con, thậm chí cả bố đẻ mà nguyên nhân là do quá đam mê nghề khóc mướn. Bằng cái giọng khàn khàn, Hiếu ê a kể về cuộc đời của mình.
Theo lời Hiếu thì anh ta đến với nghề thổi kèn đám ma rất tình cờ rồi thấy kiếm được tiền thì ở lại với nghề này mãi cho tới khi ông bố không chịu được tai tiếng về con liền tìm cách cưới vợ cho Hiếu với mong muốn để anh dứt khỏi nghề khóc thuê. Đám cưới nhanh chóng được tổ chức, ai cũng nghĩ có vợ con rồi, Hiếu sẽ vui duyên mới, chẳng còn bụng dạ nào mà nghĩ tới chuyện kêu khóc cùng cây nhị, ai dè còn chưa dẫn vợ nhận đủ mặt họ hàng thì Hiếu đã âm thầm lập đội khóc thuê. Không chỉ kéo nhị giỏi, Hiếu còn khóc rất mùi mẫm nên lúc nào cũng bận bịu. Có người làm lãnh đạo ở trên tỉnh, sau khi đi dự đám, nghe tiếng khóc của Hiếu đã xin địa chỉ để nhỡ cha mẹ có không may nằm xuống, mượn Hiếu khóc đỡ. Theo lời Hiếu thì muốn khóc được phải có rượu mà uống càng say thì khóc càng giỏi. Rượu khiến người ta mụ mị nhưng với Hiếu thì cái chất cay cay này làm đầu óc anh ta "sáng" hơn, nghĩ được nhiều câu hát khóc buồn thảm, ai oán hơn. Bí quyết để "moi" được nước mắt thiên hạ, theo lời Hiếu là phải biết nghĩ ra những câu khóc hợp với quan hệ của người tới viếng và người bạc mệnh. Bao giờ cũng vậy, trước khi nhận thổi kèn cho nhà đám, Hiếu đều hỏi rất kỹ về lai lịch người chết, xem trước đây sống thế nào, có nhiều bà con, họ hàng hay không, quan hệ láng giềng, tình bằng hữu… phải làm sao để khi xướng tên người viếng, có bài khóc phù hợp theo hoàn cảnh để mọi người sụt sùi. Vì cái tài ấy mà giá trị của người khóc mướn như Hiếu cũng tăng lên, ngoài khoản tiền công của cả đội, bao giờ Hiếu cũng được gia chủ thưởng thêm khi thì vài trăm ngàn song cũng có khi tiền triệu.
Hiếu đang cùng các trại viên xếp lại những đôi dép vừa sản xuất. Từ chỗ mượn rượu để khóc kiếm tiền, dần dà ngày nào không có tí cay vào người là Hiếu không chịu được nhưng đã uống thì Hiếu chẳng bao giờ chịu để cái miệng yên, cứ phải ư ử hát mà toàn là những câu thê lương não lòng, sinh ly tử biệt. Quen khóc hơn cười, mỗi khi không phải "đi làm", Hiếu lại nằm dài ở nhà, uống rượu để "sáng tác" tới khi say khật khừ, thiếp đi. Thời gian đầu thấy chồng kiếm được nhiều tiền từ nghề khóc mướn, cô vợ cũng tặc lưỡi cho qua vì nghĩ đấy cũng là một cái tài lẻ, đỡ phải nai lưng ngoài đồng nhưng rồi chị bắt đầu không thể chịu nổi mỗi khi chồng dỗ con lại nghêu ngao những câu khóc cha, hờ mẹ. Nhe hai hàm răng hụt vài cái vì ngã gãy khi say, Hiếu bảo thực lòng đâu có ác ý nhưng vì trong đầu chỉ có những câu khóc ấy nên lúc ru con cứ đem ra dùng tạm. Thậm chí có lần bố vợ sang chơi, trong khi vợ tất tả dưới bếp, Hiếu bưng mâm lên rồi tranh thủ bát, đũa ấy, làm luôn một bài hờ cha, khóc mẹ, đến lúc nhớ ra thì ông ngoại đã bỏ về từ lúc nào.
Mang không khí nhà đám về nhà, nhiều lúc đang sáng tác một bài khóc mướn, thấy vợ con đi qua, bao cảm hứng trong Hiếu bỗng đâu biến sạch. Cho rằng vợ con cứ gọn gàng sạch sẽ, không chịu nhàu nhĩ, xộc xệch như người nhà đám làm mất cảm hứng của mình, Hiếu nổi xung lên, vớ được cái gì là đuổi đánh vợ cái đó, thậm chí đến người bố, anh ta cũng không tha. Bực vì nói mãi con không sửa, ông cụ đâm ra ghét, hễ cứ nghe thấy tiếng kêu cứu của con dâu và cháu nội, bố Hiếu lại ra chính quyền trình báo nhưng khi có người ngoài xã vào thì Hiếu đã tỉnh rượu, nhận lỗi nhưng cũng chỉ được vài hôm rồi lại "đâu đóng đấy".
Dừng tay xếp những đôi dép vừa làm thành từng đôi, Hiếu bảo tại em yêu nghề quá, mà muốn tồn tại được với nghề khóc thuê thì phải có nhiều bài hát mới, lạ, ai oán mà muốn có thì phải uống say, rồi tập khóc ngay cả khi đang ở nhà. Biết là đánh vợ là vi phạm nhưng những lúc ấy nào em có nghĩ đó là vợ con đâu, chỉ nghĩ mình đang sầu khổ thế này mà người ta cứ cười nói vui vẻ thì làm sao chịu được. Từ ngày vào Thanh Hà, em sáng tác được ối bài khóc hiếu đấy, chẳng cần rượu cũng hay ra trò nhưng sáng tác là một chuyện còn hát để người ta rơi lệ lại là chuyện khác. Sau lần này về chắc em đổi nghề thôi vì muốn theo nghề phải khóc mà không có rượu thì làm sao mà khóc được.
No comments:
Post a Comment