Tuesday 31 January 2012

Than tuong

các món ăn ngày tết | cách làm kim chi cải thảo | gia de hang |

(VOV) - Hình ảnh của thần tượng là bức tranh phản ánh tâm trạng của những người trẻ tuổi đối với thời thế.

Giới trẻ lên cơn sốt đã đành, cộng đồng mạng (chủ yếu là giới trẻ) lên cớn sốt đã đành, báo chí chính trị, xã hội cũng nóng rực tin tức, hình ảnh về thần tượng Việt Nam. Uyên Linh và Mai Hương là những cô gái trẻ, họ xinh đẹp, họ hát hay, họ có sức cuốn hút nên dĩ nhiên họ xứng đáng nhận được sự quan tâm của công chúng. Song, cứ nghĩ đến việc hai ngôi sao giải trí trẻ tuổi đó là thần tượng của giới trẻ Việt Nam thì lại thấy bất ổn.

Giới trẻ thời nào cũng cần có thần tượng, và luôn có thần tượng. Hình ảnh của thần tượng là bức tranh phản ánh tâm trạng của những người trẻ tuổi đối với thời thế. Những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, những chàng trai The Beatles làm giới trẻ cả thế giới ngất ngây. Họ là thần tượng không phải vì đẹp trai, hát hay mà bởi âm nhạc của họ phản ánh được tinh thần của thời đại, là niềm cảm hứng cho nỗi khát khao cuồng nộ để phá bỏ những ràng buộc của ước lệ xã hội đã quá khô cứng, để quên đi những cuộc chiến tranh phi nghĩa đang lấy đi sinh mạng của bao con người trẻ tuổi.

Ở Việt Nam, những Nguyễn Văn Trỗi, hay Ruồi Trâu, Pavel Corsaghin cũng đã từng trở thành thần tượng khi mà tất cả thanh niên nước ta đều sục sôi lý tưởng, đều mong muốn quên mình vì mộng ước đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội. Những con người trẻ tuổi ngày ấy, đến bây giờ, họ vẫn trân trọng khi nghĩ đến thần tượng một thời của bản thân.

Nếu thần tượng của giới trẻ Việt Nam giờ đây là những nhân vật của các show giải trí trên truyền hình, chúng ta nên nghĩ gì về tâm trạng xã hội trong thời đại ngày nay? Phải chăng lý tưởng của giới trẻ giờ đây chỉ đơn giản là sự nổi tiếng trong giới giải trí, và để vươn tới giá trị đó, họ sẵn sàng nói xấu nhau trên mạng, sẵn sàng tổ chức các scandal để được biết đến?

Có lẽ, sự thực không đến nỗi bi quan đến thế! Ở các công sở, đôi khi người ta vẫn nhìn thấy các ông bố, bà mẹ lặng lẽ photo bài báo kể chuyện những tấm gương vượt khó, hay những con người có hành động dũng cảm mang về cho con xem, để học tập. Khi vẫn còn những ông bố, bà mẹ như thế, chẳng có lý do gì để bi quan về thế hệ trẻ. Trên các diễn đàn mạng, chúng ta vẫn bắt gặp những lời kêu gọi của các bạn trẻ hướng về đồng bào gặp thiên tai trên khắp đất nước, hướng về những thân phận đáng thương… Lòng nhân ái vẫn còn rất nhiều để lạc quan.

Song, cũng có một thực tế khác. Đó là những câu chuyện nhân văn đang ngày một chìm khuất trong vô vàn những sự kiện vô bổ của xã hội tiêu dùng. Cậu bé mồ côi cùng chiếc thuyền nan xông pha trong mưa lũ để cứu người ở Hà Tĩnh, hay cô bé học trò nghèo 9 năm cõng bạn đến trường sẽ không thể được nhớ tên bằng những hot-girl thường khoe vòng 1 trên các trang báo mạng.

Câu chuyện cảm động về những thanh, thiếu niên dũng cảm thường chỉ xuất hiện thoáng qua trong một hai bài báo, và nhanh chóng chìm vào quên lãng. Nếu hành động dũng cảm đó của họ có được tôn vinh thì cũng không thể thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông vì… không có nhà tài trợ.

Cậu bé mồ côi dũng cảm cứu người trong lũ dữ sẽ không thể nổi tiếng bằng bằng một người đàn ông có khả năng tự nổi trên mặt nước. Người đàn ông tự nổi trên mặt nước có thể chẳng cứu được một ai, song ông ta được tôn vinh vì có tên trong cuốn sách kỷ lục Việt Nam.

Tương tự, cô học trò nhỏ cần mẫn cõng bạn đến trường trong 9 năm cũng không thể nổi tiếng bằng hai anh em nhà nọ có thể ăn hết cả cân ớt chỉ thiên trong vòng 10 phút. Vì trên thế giới có thể có người còn cõng bạn lâu hơn, nhưng sẽ hiếm có người ăn được cay đến thế!

Trở lại với những thần tượng của một thời đã xa, nếu như 4 chàng Beatles không được phát hiện bởi các hãng thu âm để âm nhạc của họ vượt qua những khu phố ẩm ướt của thành phố cảng Liverpool, họ sẽ không phải là thần tượng. Nếu Nguyễn Văn Trỗi, Ruồi trâu, hay Pavel Corsagil không hóa thân vào những tác phẩm văn học, họ cũng không trở thành thần tượng.

Vậy, nếu như giới trẻ Việt Nam bây giờ chỉ biết đến những thần tượng trong giới ca kỹ thì đó không phải lỗi ở họ. Lỗi ở truyền thông ngày nay chỉ mải miết chạy theo những mục đích tiêu dùng của các nhà tài trợ!./.

Lão Phạm

Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment

Related posts